Dù được chính Tổng thống Barack Obama tiến cử nhưng người vừa đoạt giải Nobel Kinh tế vẫn chưa tìm được đường vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED. Ông Peter Diamond được Tổng thống Mỹ tiến cử gia nhập Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ảnh: Bloomberg Sau cuộc bỏ phiếu của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện hồi tuần trước, có 16 trên 23 phiếu ủng hộ ông Peter Diamond, người vừa đoạt giải Nobel về kinh tế gia nhập FED. Tuy nhiên, sang tuần này, quyết định trên vấp phải làn sóng phản đối đến từ các thành viên Đảng Cộng hòa, dẫn đầu là Thượng nghị sĩ Richard Shelby của bang Alabama. Trước đó, chính Tổng thống Barack Obama, người của Đảng Dân chủ đã tiến cử ông Diamond vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào hồi tháng 9.
Nguyên nhân cản đường vào FED của người đoạt giải Nobel Kinh tế không nằm ở vấn đề năng lực, mà là luật pháp và chính trị. Các thành viên Đảng Cộng hòa cho rằng về luật pháp, Diamond không đủ điều kiện để gia nhập FED, và trình độ học vấn của ông cũng không phải là điều ngân hàng trung ương Mỹ đang cần. Theo khoản 10-1 của Luật Cục Dự trữ Liên bang, sẽ không có hai thành viên nào của FED đến từ cùng một khu vực. Điều luật này nhằm đảm bảo tính đa dạng địa lý trong Ban Thống đốc, và đảm bảo sẽ không có một khu vực nào nhận được quá nhiều ưu tiên từ Cục Dự trữ Liên bang. Trên thực tế, Diamond đến từ Massachusetts, đồng hương của một thành viên khác trong ban Thống đốc là Dan Tarullo. Trừ khi Tarullo từ chức, Diamond không đủ điều kiện để gia nhập Cục. Để hợp thức hóa vướng mắc, Nhà Trắng giải thích rằng thật ra Diamond đến từ bang Illinois. Lý do Nhà Trắng đưa ra là ông Diamonds từng có thời gian giảng dạy tại Đại học Northwestern University, Illinois. Tuy nhiên, lý do này không được nhiều thành viên Đảng Cộng hòa chấp nhận. Còn về năng lực của Diamonds, một thành viên Đảng Cộng hòa nằm trong Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, ông Mark Calabria phát biểu trên kênh Bloomberg hôm qua: "Một giáo sư kinh tế là điều cuối cùng mà FED cần. Trong đội ngũ nhân viên ở ngân hàng trung ương Mỹ bây giờ đã có cả nghìn ông giáo sư rồi". Peter Diamond là Giáo sư kinh tế, giảng dạy tại Học viện Công nghệ Massachusetts kể từ năm 1966 đến nay. Hôm 11/10 vừa rồi, ông cùng hai nhà khoa học khác được trao giải Nobel Kinh tế cho nghiên cứu về thuyết tìm kiếm trên thị trường. Thanh Bình |